top of page

Tầm quan trọng của sự tiếp xúc và thẩm thấu ngôn ngữ tự nhiên trong việc học Tiếng Anh




Nguồn ảnh: Unplash


Ngày nay Tiếng Anh đã trở thành phương tiện giao tiếp trên khắp thế giới. Năng lực sử dụng Tiếng Anh tốt là một bước đệm giúp chúng ta có thể tiếp cận được với nền giáo dục tốt hơn và cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn. Tuy vậy, việc học Tiếng Anh ở Việt Nam còn nặng về kiến thức cho thi cử, nên năng lực sử dụng Tiếng Anh của người học vẫn còn nhiều hạn chế.


Vậy phải làm sao để khắc phục vấn đề đã tồn tại rất lâu này? Trước tiên, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức về việc học và sự tiếp thu ngôn ngữ để chuyển đổi sang những phương pháp dạy và học hiệu quả hơn. Đã có rất nhiều nghiên cứu về những điều kiện tối ưu để thành công trong việc học một ngôn ngữ, và kết quả là không thể thiếu được sự tiếp xúc và thẩm thấu ngôn ngữ đang được học.



Nguồn ảnh: Unplash


Đã có rất nhiều nghiên cứu về những điều kiện tối ưu để thành công trong việc học một ngôn ngữ, và kết quả là không thể thiếu được sự tiếp xúc và thẩm thấu ngôn ngữ đang được học.

Ngay từ khi mới được sinh ra, trẻ em được “tắm” trong môi trường ngôn ngữ nào thì ngôn ngữ đó sẽ có cơ hội cao trở thành tiếng mẹ đẻ của chúng. Nghiên cứu của Politzer vào năm 1965 cho thấy tất cả những cư dân nhập cư tới Mỹ học Tiếng Anh chủ yếu từ việc họ tiếp xúc với môi trường Tiếng Anh. Phương pháp học ngôn ngữ bên ngoài lớp học này được Benson (2001) gọi tên là “phương pháp tự nhiên trực tiếp” (self-direct naturalistic learning) – không cần các bài giảng về ngôn ngữ mà thẩm thấu tự nhiên qua việc giao tiếp với người bản địa, sử dụng Tiếng Anh trong đời sống thường ngày, nghe các chương trình bằng Tiếng Anh trên đài hoặc TV, đọc tin tức trên internet, cũng như đọc sách, báo, tài liệu bằng Tiếng Anh. Thông qua đó, các tình huống tương tự được lặp đi lặp lại với cùng cách sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt của người bản địa giúp cho người tiếp xúc dần dần hiểu được ý nghĩa và áp dụng vào việc giao tiếp trong đời sống hàng ngày.



Nguồn ảnh: Unplash


Quay trở lại với việc dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay, số đông học sinh phải chịu áp lực lớn từ thi cử và sự quá tải về chương trình của tất cả các môn học ở trường. Các em thường chỉ chú trọng vào học ngữ pháp và từ vựng theo phương pháp truyền thống: nghe giảng – ghi chép – học thuộc – làm bài về nhà. Ngay cả ngữ âm cũng được các em học dưới dạng thuộc lòng lý thuyết để phục vụ cho bài thi trắc nghiệm. Các kỹ năng chủ động bao gồm nói và viết đều không được chú trọng. Sự tiếp thu và lĩnh hội ngôn ngữ chỉ dựa vào việc nhồi nhét kiến thức như vậy, mà thiếu đi sự thực hành hay áp dụng trong đời sống sẽ khiến nhiều học sinh cảm thấy khó khăn trong việc học thuộc và giảm hứng thú với việc học Tiếng Anh.

Vì vậy, ngoài việc giáo viên chỉ tập trung vào việc giảng bài và truyền thụ kiến thức, và học sinh phải cố gắng học thuộc hay ghi nhớ (deductive approach - cách tiếp cận diễn giải), thì còn cần phải tạo ra môi trường và điều kiện học tập để học sinh có cơ hội được tiếp xúc với ngôn ngữ và thẩm thấu ngôn ngữ một cách tự nhiên và có ý nghĩa hơn (inductive approach - cách tiếp cận quy nạp). Đặc biệt là khi hình thức thi cử và tuyển sinh ở Việt Nam có nhiều thay đổi như hiện nay: ngày càng nhiều trường đại học dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển thay vì chỉ sử dụng điểm thi Tiếng Anh của kỳ thi THPT Quốc Gia. Vì vậy, phụ huynh và học sinh cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phương pháp tiếp xúc và thẩm thấu tự nhiên bên cạnh phương pháp dạy và học truyền thống, để học sinh không chỉ được trang bị kiến thức mà còn rèn luyện các kỹ năng để có thể sẵn sàng tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế và nâng cao cơ hội cạnh tranh trong các kỳ tuyển sinh.



Nguồn ảnh: wix


Sự tiếp thu và lĩnh hội ngôn ngữ chỉ dựa vào việc nhồi nhét kiến thức như vậy, mà thiếu đi sự thực hành hay áp dụng trong đời sống sẽ khiến nhiều học sinh cảm thấy khó khăn trong việc học thuộc và giảm hứng thú với việc học Tiếng Anh.

Từ năm học 2020-2021, tất cả các lớp Tiếng Anh tại English4us đều được áp dụng hình thức học trực tiếp trên lớp kết hợp luyện tập và thực hành qua các bài giảng điện tử trên trang www.linhsarah.com (Blended Learning Approach) nhằm mở rộng việc học và thực hành Tiếng Anh ra cả bên ngoài lớp học. Ngoài tần suất của việc tiếp xúc và thẩm thấu ngôn ngữ, học liệu và cách thức học sinh tiếp xúc cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thành công của phương pháp này. Với sự chọn lọc các nguồn học liệu bao gồm bài viết và nói Tiếng Anh của người bản xứ tương ứng với nội dung kiến thức được dạy trên lớp, Ms. Linh Sarah sẽ tạo cho học sinh môi trường để luyện tập và thực hành kỹ năng NGHE – NÓI – PHÁT ÂM. Thông qua việc chọn lọc học liệu và thiết kế các hoạt động học trên trang web bài giảng điện tử, Ms. Linh Sarah vừa giúp học sinh thực hành để củng cố chắc hơn những kiến thức được học trên lớp, vừa không gây quá tải cho học sinh khi cùng một lúc phải học cả sách giáo khoa để thi cử và cả giáo trình khác để luyện Nghe - Nói. Với hình thức học này, học sinh sẽ được gặp lại các từ vựng, cấu trúc ngữ pháp đã được học trên lớp trong ngữ cảnh của một bộ phim, một câu chuyện hoặc đời sống thực tế. Trong mỗi bài tập được thiết kế, giáo viên đều trình bày chi tiết nhiệm vụ và yêu cầu của từng bài, và học sinh phải thực hiện theo một cách kỹ càng và đầy đủ cho đến khi thuần thục.


Với sự chọn lọc các nguồn học liệu bao gồm bài viết và nói Tiếng Anh của người bản xứ tương ứng với nội dung kiến thức được dạy trên lớp, Ms. Linh Sarah sẽ tạo cho học sinh môi trường để luyện tập và thực hành kỹ năng NGHE – NÓI – PHÁT ÂM.


Kết luận


Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông như hiện nay, học sinh Việt Nam có đầy đủ mọi điều kiện để được tiếp xúc và thẩm thấu trong môi trường giàu Tiếng Anh, nhưng vấn đề là phụ huynh và học sinh cần thay đổi tư duy về phương pháp học ngôn ngữ. Các em cần giáo viên định hướng và chọn lọc các nguồn tài liệu phù hợp để tiết kiệm thời gian, và cần sự tạo điều kiện từ phụ huynh đối với việc trang bị các thiết bị học tập như laptop, máy tính bảng,… Quan trọng nhất là chính bản thân các em, phải chăm chỉ, tự giác và hình thành cho mình thói quen học tập mới.

Thân mến,

Linh Sarah


Tài liệu được tham khảo và sử dụng cho bài viết:


Benson, P. (2001). Teaching and researching autonomy in language learning. Harlow:

Pearson Education.


Kennedy, G (1973). Conditions for language learning. Rowey,MA. Newbury House.


Oxford, Rebecca. (2001) Integrated Skills in the ESL/EFL Classroom. ESL Magazine, Vol.

6, nº 1, January/February


Willis, J., & Willis, D. (1996). Challenge and change in language teaching. Oxford: Heinemann.


bottom of page