top of page

Mô hình Lớp Học Tiếng Anh Tích Hợp Thông Minh (Smart Blended Language Learning)




GIỚI THIỆU CHUNG

Với mô hình lớp học truyền thống, các hoạt động dạy và học chủ yếu được diễn ra trên lớp với sự có mặt của giáo viên. Tuy nhiên, việc dạy lý thuyết thường chiếm quá nhiều thời gian, khiến người học ít có cơ hội được thực hành và sử dụng Tiếng Anh trên lớp. Do đó, mô hình Lớp Học Tiếng Anh Tích Hợp Thông Minh (Smart Blended Language Learning) - kết hợp cả việc học trực tiếp trên lớp và học trực tuyến trên Hệ Thống Quản Lý Học Tập Trực Tuyến (Learning Management System - LMS) - là giải pháp để tận dụng ưu điểm của cả lớp học truyền thống và lớp học trực tuyến, cũng như khắc phục những hạn chế khi áp dụng riêng từng mô hình này.

Đối với các nước phát triển, việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục không còn xa lạ. Năm 2010, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã công bố một phân tích tổng hợp của hơn 1000 nghiên cứu so sánh các khóa học được thực hiện theo mô hình lớp học truyền thống (trực tiếp), mô hình lớp học trực tuyến (online), và mô hình lớp học kết hợp giữa cả trực tiếp và online. Nghiên cứu kết luận rằng: mô hình lớp học kết hợp giữa cả trực tiếp và online là hiệu quả nhất trong ba mô hình, giúp học sinh tiến bộ dễ dàng và nhanh chóng hơn hẳn. Tuy nhiên, thành công của mô hình này đòi hỏi chuyên môn sư phạm cao để thiết kế các trải nghiệm học tập hiệu quả không chỉ trong môi trường trực tiếp mà cả trên nền tảng online.


MÔ HÌNH LỚP HỌC TIẾNG ANH THÔNG MINH TẠI LỚP HỌC TIẾNG ANH ENGLISH4US - LINH SARAH



Lớp học Tiếng Anh English4us - Linh Sarah xây dựng môi trường Lớp Học Thông Minh (Smart Blended language Learning) giúp mở rộng việc học Tiếng Anh ra khỏi phạm vi lớp học. Với mô hình này, công nghệ được áp dụng để tạo ra những điều kiện tối ưu cho quá trình Tiếp Thu Ngôn Ngữ Thứ Hai (Second Languague Learning Acquisition) và tạo điều kiện để giáo viên áp dụng hiệu quả các các nguyên lý sư phạm vào quá trình dạy và học Tiếng Anh. Mô hình này gồm 2 phần:

  1. Các buổi học trực tiếp với giáo viên (có thể học trực tiếp trên lớp hoặc học online trực tiếp với giáo viên).

  2. Các buổi tự học trên nền tảng số - còn được gọi là Hệ Thống Quản Lý Học Tập (Learning Management System - LMS). Trên nền tảng LMS, người học được gia tăng các trải nghiệm học Tiếng Anh đa dạng, và có đủ điều kiện thực hiện các bài tập được giao với mức độ khó, phức tạp và mang tính thực tiễn hơn so với các bài tập lý thuyết được thực hiện trên lớp học truyền thống.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ tạo ra môi trường hiệu suất hơn cho sự tương tác trong học tập: tương tác giữa thầy-trò, giữa các học sinh khi làm việc theo cặp và theo nhóm (cả trực tiếp và online), và tương tác giữa học sinh với các trải nghiệm học tập và tài liệu số trên Hệ Thống Quản Lý Học Tập Trực Tuyến (LMS).



5 LỢI ÍCH CỦA MÔ HÌNH LỚP HỌC TIẾNG ANH THÔNG MINH


1. Mở rộng không gian và thời gian học tập


Để học Tiếng Anh thành công, việc học cần diễn ra không chỉ trên lớp mà còn bên ngoài lớp học. Hiện nay, ngoài nhu cầu nắm vững các kiến thức về ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, phát âm), học sinh còn có nhu cầu phát triển đầy đủ các kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết). Đây là một nhu cầu đúng đắn và rất cần được khuyến khích. Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng mà thời lượng trên lớp vẫn không đổi là một thách thức lớn đối với cả người dạy và người thiết kế khóa học. Vì vậy, lớp học Tiếng Anh English4us - Linh Sarah đã lựa chọn áp dụng công nghệ để mở rộng cả thời gian và không gian của việc học Tiếng Anh ra khỏi phạm vi của lớp học. Điều này tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho cả người học và đem đến hiệu quả cao hơn hẳn trong việc học Tiếng Anh.


2. Đem đến đa dạng các trải nghiệm học tập để đáp ứng được những phong cách học tập khác nhau của người học


Có 4 phong cách học tập chính của người học:

  • Người học trực quan (Visual Learners): Đây là những đối tượng tiếp thu và lưu giữ thông tin tốt hơn khi những thông tin đó được trình bày dưới dạng đồ họa hay hình ảnh, như sơ đồ, tranh ảnh, biểu tượng, vv...

  • Người học bằng thính giác (Auditory Leaners): Người học thính giác thích nghe thông tin được trình bày bằng giọng nói.

  • Người học bằng đọc và viết (Reading and Writing Learners): Những người học theo phong cách đọc và viết dễ dàng lĩnh hội thông tin được trình bày trong các văn bản ở dạng chữ viết. Họ có thế mạnh về việc chi chép và biểu đạt tốt hơn thông qua văn bản dạng chữ viết.

  • Người học bằng hoạt động và thực hành (Kinesthetic Learners): Những người học này ưa thích các hoạt động thể chất và vận dụng tất cả các giác quan trong quá trình học.


Điều này dẫn đến sự cần thiết của việc thiết kế đa dạng các trải nghiệm học tập với nhiều nguồn học liệu phong phú để mọi cá nhân có phong cách học tập khác nhau đều có thể lĩnh hội được kiến thức và phát huy được tiềm năng của mình. Do đó, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp người học có được một môi trường học Tiếng Anh hoàn hảo hơn khi được tiếp xúc với các học liệu không chỉ ở dạng viết (sách giáo khoa, sách bài tập,...) mà còn bao gồm âm thanh, hình ảnh, videos về ngôn ngữ, văn hóa và đời sống thực tế, vv... Việc tiếp xúc, thẩm thấu Tiếng Anh từ đa kênh là điều kiện để người học có thể vừa lĩnh hội kiến thức (từ vựng, ngữ pháp, phát âm) và vừa phát triển các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.



Nếu bạn muốn biết phong cách học tập của bạn thiên về nhóm nào thì có thể làm bài trắc nghiệm sau: What is your learning style? 20 Questions

(Đối với các bạn học sinh nhỏ tuổi có thể sử dụng sự hỗ trợ của trang https://translate.google.com/ để hoàn thành bài trắc nghiệm.)


3. Gia tăng sự gắn kết của người học với quá trình học và giúp học sâu hơn


Thay vì chỉ được nghe giảng trực tiếp một lần trên lớp, học sinh có thể truy cập và xem lại các tài liệu hoặc bài giảng điện tử được đăng tải trên trang web của lớp học. Người học có thể xem đi xem lại bao nhiêu lần tùy thích theo nhịp độ tiếp thu của cá nhân mình.


Trang web của lớp học chính là Hệ Thống Quản Lý Học Tập (Learning Management System), đóng vai trò như một THƯ VIỆN THU NHỎ chứa đựng những nguồn học liệu chất lượng, cô đọng, và được chọn lọc kỹ càng để học sinh không phải mất quá nhiều thời gian và sức lực "bơi" trong một bể tài liệu trên internet, từ đó có thể "tập trung" vào những nội dung và nhiệm vụ chính. Đây còn là một TRANG NHẬT KÝ HỌC TẬP ghi lại toàn bộ nội dung kiến thức và quá trình học của các bạn, giúp các bạn dễ dàng theo dõi và quản lý việc học của chính mình.


4. Giúp người học chủ động, độc lập và tự tin hơn trong việc học Tiếng Anh


Các hoạt động trực tiếp trên lớp và trên nền tảng online được thiết kế hỗ trợ cho nhau theo phương pháp “bắc cầu” - từ dễ đến khó, nối tiếp nhau một cách nhịp nhàng, giúp học sinh có thể từng bước, từng bước thực hiện được các hoạt động và đạt được các mục tiêu của bài học.


Mô hình Lớp Học Tiếng Anh Thông Minh cho phép người học (đặc biệt là những học sinh nhút nhát) có nhiều thời gian hơn để luyện tập và chuẩn bị kỹ lưỡng ở nhà trước khi nộp bài viết hoặc có bài thuyết trình trước lớp. Sự chuẩn bị này khiến học sinh tự tin hơn và bài tập được thực hiện có chất lượng cao hơn, từ đó học sinh cũng cảm thấy yêu thích và có động lực hơn với việc học Tiếng Anh.


5. Tạo môi trường khuyến khích sự khám phá và sáng tạo của người học


Việc đánh giá kết quả học tập dựa vào điểm số của các bài kiểm tra và bài thi theo lối truyền thống chỉ đánh giá được khả năng lĩnh hội kiến thức của người học. Tuy nhiên, xã hội ngày nay không chỉ đòi hỏi người học tiếp thu kiến thức một cách máy móc, mà còn phải biết vận dụng những kiến thức đó để giải quyết vấn đề, phân tích, đánh giá và sáng tạo ra những sản phẩm mới. Với xu hướng giáo dục mới hiện nay, việc dạy và học chỉ nhằm đạt được điểm số cao ở trường không còn là mục tiêu duy nhất và đang dần được thay thế bởi các thước đo năng lực và phương pháp kiểm tra, đánh giá hiệu quả hơn.


Bloom’s Taxonomy là một thang đo năng lực bao gồm 6 cấp độ nhận thức từ thấp đến cao đang được áp dụng rộng rãi. Theo thang này, cấp độ nhận thức được sắp xếp theo thứ tự tăng dần từ dưới lên, bao gồm:

  • Ghi Nhớ (Ghi nhớ và nhắc lại đượcthông tin, khái niệm)

  • Hiểu (Hiểu và giải thích được thông tin, khái niệm )

  • Áp Dụng (Áp dụng được kiến thức vào những tình huống tương tự để giải quyết vấn đề)

  • Phân Tích (Suy luận, so sánh, liên hệ các thông tin với nhau)

  • Đánh Giá (Kiểm chứng thông tin và đánh giá)

  • Sáng Tạo (Sử dụng kiến thức lĩnh hội được để tạo ra sản phẩm mới)



Bài thi IELTS là một ví dụ. Để có thể tham dự bài thi của cả 4 phần: Nghe - Nói - Đọc - Viết với kết quả tốt thì thí sinh không chỉ dừng lại ở cấp độ nhận thức là hiểu và ghi nhớ, mà còn phải vận dụng khả năng tư duy và phân tích để làm các bài Đọc Hiểu, Nghe Hiểu và ở cấp độ cao hơn là phải tạo ra được các sản phẩm của bài thi Viết và Nói. Do đó, mô hình lớp học truyền thống có nhiều hạn chế trong việc thúc đẩy học sinh phát triển những năng lực đòi hỏi cấp độ nhận thức cao.


KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC KHI ÁP DỤNG MÔ HÌNH LỚP HỌC TIẾNG ANH TÍCH HỢP THÔNG MINH


1. Phụ huynh và học sinh chưa hiểu đúng về mô hình Lớp Học Tiếng Anh Tích Hợp Thông Minh


Một số phụ huynh và học sinh chỉ coi trọng các buổi học trực tiếp trên lớp mà không thực hiện nghiêm túc các bài tập trực tuyến giáo viên thiết kế và giao cho học sinh làm. Trái lại, có những phụ huynh và học sinh lại cho rằng đã có trang web bài giảng điện tử với các tài liệu cho buổi học trực tiếp được đăng tải trên đó nên học sinh có thể nghỉ học và xem lại tài liệu mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập.


Cả hai cách nghĩ trên đều chưa đúng. Khi áp dụng mô hình lớp học bao gồm cả việc học trực tiếp và học online, toàn bộ khóa học và các hoạt động được thiết kế ĐAN XEN và BỔ TRỢ CHO NHAU. Ví dụ, nếu vắng mặt trên lớp học trực tiếp, học sinh đôi khi không hiểu được mục đích của các học liệu được đăng trên trang web và cũng không biết phải khai thác tài liệu thế nào cho hiệu quả. Ngược lại, nếu học sinh chỉ học trên lớp mà về nhà không vào trang web thì sẽ bỏ sót các phần kiến thức và các hoạt động online - là mắt xích để hiểu và nắm vững được bài học trên lớp.


2. Học sinh không được trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết để tham gia Mô Hình Lớp Học Tích Hợp Thông Minh


Để tham gia học trong môi trường Lớp Học Thông Minh, người học tốt nhất là nên sử dụng máy tính hoặc laptop có kết nối internet ổn định vì cấu hình của điện thoại di động thường không đủ để truy cập vào những ứng dụng hay phần mềm chỉ được thiết kế cho máy tính, và thao tác trên điện thoại gây nhiều khó khăn hơn như màn hình nhỏ, bàn phím ảo che khuất nội dung trên màn hình, một số phần mềm và định dạng file không mở được trên điện thoại, vv…


Hơn nữa, bài thi IELTS hiện nay có thêm hình thức thi trên máy tính nên học sinh cần có máy tính để thực hành thuần thục các kỹ năng tin học cơ bản.


3. Kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ của một số học sinh còn hạn chế


Một số học sinh chưa quen sử dụng các thiết bị công nghệ nên bước đầu sẽ gặp khó khăn khi làm quen với mô hình lớp học thông minh. Tuy nhiên, học sinh có thể mang theo laptop đến lớp học và giáo viên hướng dẫn trực tiếp học sinh cách cài đặt ứng dụng, phần mềm và các thao tác cơ bản trên máy tính. Làm chủ công nghệ mới có thể khiến học sinh làm chủ được việc học khi tham gia mô hình lớp học thông minh. Đây là cơ hội để học sinh nâng cao kỹ năng công nghệ và thích nghi với xu hướng giáo dục hiện đại.


4. Đảm bảo an toàn cho học sinh trên không gian mạng và giúp học sinh quản lý thời gian hiệu quả khi sử dụng mạng internet


Việc học sinh được tiếp xúc với không gian mạng giúp các con rèn luyện thêm kỹ năng áp dụng công nghệ vào học tập. Tuy nhiên, việc này cũng phát sinh ra một số vấn đề như học sinh mải chơi games, truy cập các trang web không phù hợp, chưa biết quản lý thời gian khi truy cập internet,... (nếu phụ huynh chưa biết cách quản lý các con về mặt công nghệ.)

Quý vị phụ huyn và các em học sinh có thể đọc bài viết Bảo đảm an toàn cho trẻ trên mạng để tham khảo thêm các cách quản lý con em khi sử dụng thiết bị điện tử cũng như truy cập internet.



KẾT LUẬN


Mô hình Lớp Học Tiếng Anh Tích Hợp Thông Minh (Smart Blended Language Learning) - ứng dụng công nghệ để kết nối việc học Tiếng Anh trực tiếp trên lớp và trực tuyến từ xa - là một mô hình rất hiệu quả đối với việc học Tiếng Anh và giúp học sinh được trải nghiệm những hoạt động học tập da dạng, thú vị, có tính sáng tạo và hiệu quả cao.


Tuy nhiên, đây là một mô hình học Tiếng Anh mới và các bạn học sinh khi mới tham gia học sẽ cần một khoảng thời gian để thích nghi và quen dần với cách thức học và làm việc. Hãy luôn CHỦ ĐỘNG liệt kê ra những khó khăn mình đang gặp phải và ĐỪNG NGẦN NGẠI liên lạc với giáo viên để được hướng dẫn giải quyết các khó khăn đó.

CHÚC CÁC BẠN MỘT NĂM HỌC MỚI THÀNH CÔNG!


Các nguồn tài liệu tham khảo cho bài viết:


Krathwohl, D. R. (2002). A revision of Bloom's Taxonomy: An Overview. Theory Into Practice, 41(4), 212–218. https://doi.org/10.1207/s15430421tip4104_2


Mizza, D., & Rubio, F. (2020). Creating effective blended language learning courses: A research-based guide from planning to evaluation. Cambridge University Press.


Oxford, Rebecca. (2001). Language learning styles and strategies: An overview.


Simon, E. (2022, June 3). An overview of blended language learning. The FLTMAG. Retrieved July 15, 2022, from https://fltmag.com/an-overview-of-blended-language-learning/




bottom of page