Nghe toàn bài viết:
(Nguồn ảnh: https://moet.gov.vn/)
Theo kết luận số 91- KL/TW được ban hành ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, ngoài việc tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; Bộ Chính Trị quyết định sẽ đưa Tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Nhiều người đã quen với khái niệm “Tiếng Anh như một ngoại ngữ” thì giờ được biết đến thêm một khái niệm “Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai”, nhưng chưa phân biệt được ý nghĩa khác nhau của hai thuật ngữ này. Do đó, bài viết này sẽ giúp người đọc hiểu thêm về sự khác nhau của hai loại hình môi trường dạy và học Tiếng Anh vừa nêu, và tìm hiểu về các chính sách ngôn ngữ khác nhau của một số quốc gia, cùng với các nguyên nhân phía sau các chính sách ngôn ngữ đó.
1. Phân biệt “Tiếng Anh như một ngoại ngữ (English as a Foreign Language - EFL)” với “Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (English as a Second Language - ESL)”
Mặc dù đều liên quan đến việc dạy và học Tiếng Anh, nhưng có sự khác biệt khi Tiếng Anh được dạy và học trong một môi trường mà nó đóng vai trò là một ngoại ngữ, với trong một môi trường mà nó đóng vai trò là một ngôn ngữ thứ hai. Do đó, khi đề cập đến Tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL), hay Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL), chúng ta đề cập đến môi trường và bối cảnh mà trong đó việc dạy và học Tiếng Anh được diễn ra. Sự khác biệt về hai môi trường EFL và ESL có ảnh hưởng sâu và rộng đến cách dạy và học Tiếng Anh bởi một số khía cạnh sau:
- Môi trường học tập và sự tiếp xúc với Tiếng Anh của người học
- Mục tiêu và động lực học tập của người học
- Cách tiếp cận giảng dạy, phương pháp sư phạm, và tài liệu dạy và học
- Vai trò của người dạy và người học
1.1. Môi trường học tập và sự tiếp xúc với Tiếng Anh của người học
Thông thường, trong môi trường Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL), Tiếng Anh được dạy và học ở một quốc gia mà nó là ngôn ngữ chính trong giao tiếp. Đó có thể là các quốc gia sử dụng Tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ (ví dụ: Anh, Mỹ, Úc,...). Ngoài ra, đó có thể là các quốc gia sử dụng Tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức - tức là Tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, hành chính, giáo dục, và kinh tế đến mức công dân phải học và sử dụng tiếng Anh để tham gia vào các lĩnh vực vừa được nêu (ví dụ: Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka, Nigeria,...). Vì vậy, ở các quốc gia này, người học có cơ hội trải nghiệm môi trường ngôn ngữ Tiếng Anh tự nhiên bên ngoài lớp học, từ đó cải thiện khả năng ngôn ngữ thông qua việc tiếp xúc và sử dụng Tiếng Anh hàng ngày. Người học ESL có nhiều cơ hội giao tiếp thực tế, từ các tương tác xã hội, các hoạt động học tập, đến các lĩnh vực chuyên môn.
Ngược lại, trong môi trường Tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL), việc dạy và học tiếng Anh diễn ra ở một quốc gia không sử dụng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày (ví dụ: Việt Nam, Nhật Bản,…). Người học tiếp xúc với Tiếng Anh chủ yếu trong lớp học và thực hành theo các bài tập có cấu trúc trong lớp. Việc thiếu môi trường tiếp xúc và sử dụng Tiếng Anh tự nhiên hàng ngày khiến cho việc tiếp thu ngôn ngữ trở nên khó khăn hơn, và người học EFL có ít cơ hội tự nhiên để áp dụng những gì đã học trong giao tiếp và đời sống thực tế.
1.2. Mục tiêu và động lực học tập của người học
Trong môi trường ESL, người học thường học tiếng Anh với mục đích hòa nhập xã hội, học thuật, công việc, hoặc chuyên môn tại một quốc gia nói tiếng Anh. Do đó, động lực học tập có thể xuất phát từ nội tại (instrinsic motivation) và thực tiễn hơn, vì khả năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn hàng ngày, học tập, phát triển cá nhân và công việc
Tuy nhiên, trong môi trường EFL, người học Tiếng Anh thường được thúc đẩy bởi đó là một môn học bắt buộc trong trường, đặc biệt do chịu áp lực của việc thi cử trong trường học, hoặc yêu cầu về chứng chỉ hay bằng cấp Tiếng Anh, hoặc bởi đó là một điều kiện trong công việc, hoặc học Tiếng Anh theo xu hướng xã hội. Người học không có nhu cầu giao tiếp Tiếng Anh tức thời, và họ không cần sử dụng tiếng Anh để sinh tồn hàng ngày, hoặc để hòa nhập trong môi trường quốc tế. Điều này khiến động lực học Tiếng Anh của họ mang tính ngoại tại hơn (extrinsic motivation).
1.3. Cách tiếp cận giảng dạy, phương pháp sư phạm, và tài liệu dạy và học
Việc giảng dạy Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL) thường ưu tiên phương pháp giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp (CLT), học tập dựa trên nhiệm vụ (task-based activities) và các phương pháp tiếp cận trải nghiệm (experiential learning) nhằm phản ánh và mô phỏng việc sử dụng ngôn ngữ trong thực tế. Tài liệu giảng dạy thường bao gồm các nguồn tài liệu lấy từ thực tế như báo chí, phim ảnh, tin tức, đơn xin việc, hoặc nội dung truyền thông phù hợp với bối cảnh hiện tại của người học, và khuyến khích họ áp dụng vào thực tế.
Trái lại, trong bối cảnh giảng dạy Tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL), nơi các tình huống giao tiếp trực tiếp bằng Tiếng Anh còn hạn chế, việc giảng dạy thường tập trung nhiều hơn vào ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng đọc hiểu để phục vụ cho các kỳ thi. Các lớp học EFL có thể sử dụng sách giáo khoa được thiết kế cho các kỳ thi tiếng Anh quốc tế hoặc chương trình học địa phương, tập trung vào các kỹ năng mang tính học thuật hơn là sự thành thạo trong giao tiếp.
1.4. Vai trò của người dạy và người học
Người dạy Tiếng Anh trong môi trường ESL thường đảm nhận vai trò hỗ trợ người học (a facilitator), tập trung vào ngôn ngữ như một phương tiện để tương tác và hội nhập văn hóa. Họ thường được xem là những người cung cấp thông tin văn hóa bên cạnh vai trò là người dạy ngôn ngữ, với mục tiêu chính là giúp người học vượt qua những thử thách về cả ngôn ngữ và văn hóa để có thể tồn tại trong xã hội nói Tiếng Anh.
Tuy nhiên, giáo viên dạy Tiếng Anh trong môi trường EFL ở các quốc gia không nói tiếng Anh thường theo vai trò giảng dạy truyền thống hơn, tập trung vào cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, độ chính xác về kiến thức ngôn ngữ, và chuẩn bị cho các kỳ thi. Do thiếu môi trường ngôn ngữ tự nhiên, giáo viên EFL thường phải sáng tạo trong việc mô phỏng các tình huống thực tế để cung cấp cho người học cơ hội thực hành ngôn ngữ có ý nghĩa.
2. Ví dụ về chính sách ngôn ngữ của một số quốc gia, và các lý do phía sau chính sách ngôn ngữ đó.
Các quốc gia có chính sách coi Tiếng Anh như một Ngoại ngữ (EFL) thường chú trọng vai trò của Tiếng Anh như một môn học học thuật (ví dụ: Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nga,...).
Trong khi đó, ở một số quốc gia mà Tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, hoặc ngôn ngữ chính thức thì Tiếng Anh đóng vai trò nổi bật hơn trong giao tiếp hàng ngày, chính phủ, giáo dục, và công việc; và Tiếng Anh thường được dạy và học như một ngôn ngữ thứ hai (ESL) trong trường học và trong các cơ sở đào tạo tại các quốc gia đó. Ví dụ:
Ấn Độ (Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Hindi)
Philippines (Tiếng Anh là một trong các ngôn ngữ chính thức)
Singapore (Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Malay, Tamil và Mandarin)
Malaysia (Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong giáo dục, chính phủ và kinh doanh)
Pakistan (Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Urdu)
Sri Lanka (Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Sinhala và Tamil)
Bangladesh (Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong chính phủ, giáo dục và kinh doanh)
South Africa (Tiếng Anh là một trong 11 ngôn ngữ chính thức)
Canada (Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức cùng với Tiếng Pháp)
New Zealand (Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức cùng với tiếng Māori và ngôn ngữ ký hiệu của New Zealand)
Kenya (Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức cùng với tiếng Swahili)
Nigeria, Jamaica, Uganda, Ghana (Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức)
Các quyết định về chính sách ngôn ngữ của từng quốc gia phụ thuộc vào mục tiêu văn hóa, kinh tế, giáo dục, và mục tiêu chính trị của quốc gia đó. Dưới đây là một số lý do phía sau chính sách ngôn ngữ của các nước.
2.1. Sự hội nhập và phát triển kinh tế
Một số quốc gia áp dụng chính sách Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL) hoặc Tiếng Anh như một phương tiện trong giảng dạy và học tập (EMI) để thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Ví dụ điển hình là Singapore - nền kinh tế mang tính toàn cầu hóa cao - sự thông thạo Tiếng Anh là thiết yếu cho việc tham gia các thị trường quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
2.2. Bảo tồn văn hóa và bản sắc dân tộc
Các quốc gia chú trọng đến bản sắc dân tộc và bảo tồn văn hóa, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản, và Thái Lan, thường áp dụng chính sách Tiếng Anh như Ngôn Ngữ Nước Ngoài (EFL). Trong các quốc gia này, Tiếng Anh được đánh giá cao cho việc giao tiếp toàn cầu, nhưng được giảng dạy như một ngoại ngữ để hạn chế ảnh hưởng của nó đến văn hóa và ngôn ngữ dân tộc.
2.3. Phát triển du lịch và thu hút khách quốc tế
Các quốc gia có ngành du lịch phát triển thường khuyến khích việc học tiếng Anh như một công cụ thúc đẩy ngành du lịch, nhưng có thể áp dụng chính sách Tiếng Anh như Ngôn ngữ Nước ngoài (EFL) thay vì Ngôn ngữ Thứ Hai (ESL) để cân bằng việc sử dụng ngôn ngữ địa phương với nhu cầu kinh tế. Ví dụ, Thái Lan chú trọng giảng dạy tiếng Anh trong trường học để chuẩn bị cho học sinh tham gia vào lực lượng lao động trong ngành du lịch mà không đặt nặng việc sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày.
2.4. Lịch sử thuộc địa
Lịch sử thuộc địa đã ảnh hưởng đến quyết định của nhiều quốc gia trong việc áp dụng chính sách Tiếng Anh như Ngôn ngữ Thứ hai (ESL), đặc biệt ở những nơi tiếng Anh đã được thiết lập như một ngôn ngữ hành chính hoặc giáo dục từ quá khứ. Tại Ấn Độ, Nigeria và Philippines, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính thức do vị thế lịch sử của nó và là ngôn ngữ thiết yếu trong chính phủ và giáo dục đại học hiện nay.
2.5. Các yếu tố chính trị - xã hội và bình đẳng ngôn ngữ
Các chính phủ có thể lựa chọn kết hợp chính sách Tiếng Anh như Ngôn ngữ Thứ hai (ESL) hoặc Tiếng Anh như Ngôn ngữ Nước ngoài (EFL) để thúc đẩy bình đẳng ngôn ngữ và tăng cường cơ hội toàn cầu cho người dân. Ví dụ, ở các khu vực có sự chênh lệch lớn về kinh tế - xã hội trong cộng đồng người dân, chính sách ESL thường được áp dụng để trang bị cho nhóm đối tượng công dân có năng lực Tiếng Anh vượt trội hơn để tiếp cận với giáo dục, việc làm và cơ hội quốc tế; trong khi các chính sách EFL có thể vẫn được duy trì để đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ cho các nhóm đối tượng công dân khác.
3. Kết luận
Các chính sách về ngôn ngữ của các quốc gia rất linh động và đa dạng, phụ thuộc vào mục tiêu văn hóa, kinh tế, giáo dục, và chính trị, và cả hoàn cảnh lịch sử của quốc gia đó. Ở Việt Nam, Bộ Chính Trị ban hành Kết Luận 91 về việc từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai (ESL) trong các trường học, và vẫn duy trì Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức bên ngoài môi trường học thuật. Tuy nhiên, từ các phân tích về đặc điểm của môi trường Tiếng Anh là ngoại ngữ (EFL) và là ngôn ngữ thứ hai (ESL) đã nêu trong bài, sẽ có nhiều lợi ích và cả các thách thức khi thực hiện chính sách mới này. Mời các bạn đón đọc bài viết tiếp theo để cùng đánh giá và thảo luận về các lợi ích, khó khăn, và giải pháp cho chính sách ngôn ngữ mới này của nước ta nhé!
Thân mến,
Linh Sarah
Nguồn tài liệu tham khảo cho bài viết
Ban Tuyên Giáo Trung Ương. (2024, August 12). Kết luận số 91- KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.” Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam - Hệ Thống Tư Liệu - Văn Kiện Đảng. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-91-kltw-ngay-1282024-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-thuc-hien-nghi-quyet-so-29-nqtw-ngay-04112013-cua-ban-chap-10637
Brown, H. D. (2007). Principles of language learning and teaching: A course in Second language acquisition (5th ed.). Pearson Longman.
Burns, A., & Richards, J. C. (2012). The Cambridge Guide to Pedagogy and Practice in Second language teaching. Cambridge University Press.
Dornyei, Z. (2010). The psychology of the language learner: Individual differences in Second language acquisition. Routledge.
Ellis, R. (2015). Understanding second language acquisition (2nd ed.). Oxford University Press.
Harmer, J. (2007). The practice of English language teaching (4th ed.). Pearson Longman.
Lightbown, P. M., & Spada, N. (2013). How languages are learned (4th ed.). Oxford University Press.
Marianne Celce-Murcia. (2001). Teaching English as a second or foreign language (3rd ed.). Boston: Heinle Cengage Learning.
Richards, J. C., & Schmidt, R. W. (2010). Longman Dictionary of Language Teaching and Applied Linguistics (4th ed.). Longman.
Σχόλια