top of page

Thách Thức và Giải Pháp khi Đưa Tiếng Anh Thành Ngôn Ngữ Thứ Hai trong Trường Học


Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia Nguyễn Thị Mai Hữu thông tin về dự thảo Đề án (Nguồn: Bộ GD&ĐT)
Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia Nguyễn Thị Mai Hữu thông tin về dự thảo Đề án (Nguồn: Bộ GD&ĐT)

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 12/8/2024, đặc biệt là nội dung tại Mục 8 nhấn mạnh việc phát triển tư duy sáng tạo trong học ngoại ngữ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế, và tăng cường sự tự tin trong giao tiếp bằng Tiếng Anh, thông qua việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, phù hợp với bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.


Các bạn có thể xem lại bài viết Phân biệt: Tiếng Anh như một Ngôn Ngữ Thứ Hai và Tiếng Anh như một Ngoại Ngữ để hiểu hai khái niệm EFL và ESL được nêu trong bài.

  • Tiếng Anh như một Ngoại Ngữ (EFL): Tiếng Anh được dạy như một môn học, tập trung vào ngữ pháp, từ vựng, và thi cử, trong môi trường ít sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học, nơi ngôn ngữ bản địa (như Tiếng Việt) chiếm ưu thế. 

  • Tiếng Anh như một Ngôn Ngữ Thứ Hai (ESL): Tiếng Anh được sử dụng như ngôn ngữ giao tiếp thứ hai trong cộng đồng, thường ở các nước nơi Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức hoặc phổ biến (như Ấn Độ hoặc Singapore). Theo Kết luận 91-KL/TW, trong bối cảnh Việt Nam, ESL có thể được hiểu là Tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ giao tiếp trong trường học, hoặc cũng có thể trở thành ngôn ngữ trung gian được dùng để dạy và học các môn khác.


Bài viết này tập trung vào (1) Thách thức của sự chuyển đổi Tiếng Anh từ EFL sang ESL trong các trường học ở Việt Nam; (2) Giải pháp về công nghệ giáo dục (Edtech) và E-learning đối với đào tạo  nguồn lực giáo viên, và đối với việc dạy và học Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL) trong các trường học ở Việt Nam; và (3) Một số ví dụ về các quốc gia ESL đã áp dụng chuyển đổi số và đạt hiệu quả trong giáo dục.


1. Thách thức của sự chuyển đổi Tiếng Anh từ EFL sang ESL trong các trường học


Với Kết luận 91-KL/TW, Bộ Chính Trị đang đề xuất chuyển Tiếng Anh từ EFL (ngoại ngữ) sang ESL (ngôn ngữ thứ hai) trong trường học. Điều này đòi hỏi thay đổi từ tập trung vào học kiến thức sang chú trọng thực hành các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp, văn hóa,vv...). Một số khó khăn nổi bật cho sự chuyển đổi trên bao gồm:


1.1. Sự thiếu nguồn lực về con người:


Trong Hội thảo góp ý dự thảo Đề án quốc gia “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng “nhấn mạnh vai trò của giáo viên, giảng viên, và nhận định để Đề án được triển khai hiệu quả, thành công, bền vững thì yếu tố con người là quan trọng nhất, cần phải chú trọng đào tạo đội ngũ bài bản”.


1.2. Sự thiếu nguồn lực về công nghệ và chuyển đổi số:

Trong hội thảo vừa nêu trên, “Thứ trưởng cũng lưu ý việc áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để giải quyết khoảng cách vùng miền, tiết kiệm thời gian, nhân lực.”


1.3. Hạn chế trong nhận thức chung về ngôn ngữ:

Đa số phụ huynh và học sinh ở Việt Nam đã quen với học Tiếng Anh như một ngoại ngữ, và thiên về thi cử. Tuy  nhiên, theo bà Mary Beth Polley, Tham tán Văn hóa - Thông tin Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, “Tiếng Anh không chỉ để giao tiếp, mà còn là ngôn ngữ của kinh tế, thương mại, nghiên cứu, giao lưu toàn cầu, học và sử dụng tốt tiếng Anh là bước quan trọng để hội nhập quốc tế.”


2. Giải pháp về ứng dụng công nghệ giáo dục (EdTech) và thiết kế E-learning đối với đào tạo và bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giáo viên; và đối với việc dạy và học Tiếng Anh trong các trường học ở Việt Nam


Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, công nghệ giáo dục (EdTech) và E-learning đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong giảng dạy và học tập. Đặc biệt, với sự bùng nổ của Trí Tuệ Nhân Tạo (AI), việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy Tiếng Anh và đào tạo phát triển chuyên môn cho giáo viên Tiếng Anh đã mở ra nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam. 


2.1. Tầm Quan Trọng của Công Nghệ đối với Đào Tạo và Bồi Dưỡng Trình Độ Chuyên Môn của Giáo Viên


  • Cập nhật Phương Pháp Giảng Dạy: Công nghệ giáo dục (Edtech) và E-learning cung cấp các khóa học trực tuyến và hội thảo trực tuyến (cả trong nước và quốc tế), giúp giáo viên Tiếng Anh tiếp cận các phương pháp hiện đại và nâng cao năng lực chuyên môn.

  • Hội Nhập Quốc Tế: Theo Kết luận 91-KL/TW, nâng cao năng lực giáo viên là yếu tố cốt lõi để hội nhập giáo dục toàn cầu. E-learning kết nối giáo viên Việt Nam với các nhà khoa học và các chuyên gia quốc tế qua các nền tảng trực tuyến.

  • Linh Hoạt và Dễ Dàng Tiếp Cận: Giáo viên có thể học trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian và chi phí so với đào tạo truyền thống.

  • Cá Nhân Hóa và Phản Hồi Tức Thì: Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể điều chỉnh nội dung theo trình độ với từng giáo viên (Levy & Stockwell, 2006), và cung cấp phản hồi tức thì để giúp giáo viên học tập hiệu quả và nâng cao chuyên môn.




2.2. Tầm Quan Trọng của Công Nghệ đối với Dạy và Học Tiếng Anh


  • Cung cấp ngôn ngữ đầu vào: EdTech và E-learning cung cấp tài liệu đa phương tiện (video, podcast), hỗ trợ nguyên tắc cung cấp ngôn ngữ đầu vào đa dạng và phù hợp (Comprehensible Input), là điều kiện thiết yếu để giúp cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của người học. 

  • Thúc đẩy sử dụng Tiếng Anh và giao tiếp thực tế: Các công cụ như AI chatbot và lớp học trực tuyến, Game hóa các trải nghiệm học tập (Gamification), khuyến khích người học thực hành nói và viết, phù hợp với nguyên tắc tạo ra sản phẩm ngôn ngữ đầu ra (Output Hypothesis) để phát triển kỹ năng giao tiếp.

  • Linh hoạt: Học trực tuyến qua ứng dụng di động hoặc các nền tảng trực tuyến phù hợp với lịch trình bận rộn.

  • Tiết Kiệm Chi Phí: E-learning có thể giúp mỗi học sinh trên toàn quốc tiếp cận được với chương trình học Tiếng Anh trực tuyến từ nguồn giáo viên và chuyên gia chất lượng cao với chi phí thấp, hoặc thậm chí miễn phí, và cũng góp phần làm giảm sự bất bình đẳng về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền.

  • Cá Nhân Hóa & Phản Hồi Tức Thì: AI và các nền tảng trực tuyến có thể cá nhân hóa các trải nghiệm học tập, và cung cấp phản hồi tức thì giúp học sinh rút kinh nghiệm và tiến bộ trong học tập.



3. Một số ví dụ về các quốc gia đã áp dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục


  • Ấn Độ: Chương trình do Bộ GD&ĐT Ấn Độ khởi xướng có tên "National Initiative for School Heads’ and Teachers’ Holistic Advancement (NISHTHA)" tích hợp E-learning qua DIKSHA (Digital Infrastructure for Knowledge Sharing), đào tạo các nhà lãnh đạo trường học và giáo viên sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện việc học của học sinh, áp dụng phương pháp học tập và đánh giá dựa trên năng lực, đưa công nghệ thông tin vào lớp học, nhấn mạnh vào an toàn và bảo mật trường học, triển khai các phương pháp sư phạm lấy người học làm trung tâm, phát triển phẩm chất lãnh đạo nhà trường và triển khai các đánh giá dựa trên trường học.

  • Singapore: Singapore triển khai kế hoạch Công nghệ Giáo dục (EdTech) từ năm 2020 đến 2030, tiếp nối các kế hoạch CNTT trước đó từ 1997. Kế hoạch linh hoạt theo công nghệ mới, với các cổng thông tin như Edumall 2.0 và công nghệ giọng nói hỗ trợ học tập. Nền tảng Không gian học tập cho học sinh Singapore (SLS) ra mắt năm 2018, giúp học sinh và giáo viên truy cập tài nguyên phù hợp chương trình giảng dạy. Giáo viên có thể tùy chỉnh bài giảng và chia sẻ trực tuyến. Ngoài ra, kế hoạch e-Pedagogy (2020) thuộc SkillsFuture for Educators hỗ trợ giáo viên sử dụng công nghệ hiệu quả trong giảng dạy.

  • Philippines: Chương trình Tin học hóa (DepEd Computerization Program) từ năm 2011 đến nay kết hợp với "E-Classroom" cung cấp máy tính và phần mềm học Tiếng Anh cho giáo viên và học sinh ở các trường công lập. Giáo viên được đào tạo về các ứng dụng CNTT như Google Drive, máy tính bảng đồ họa và mô phỏng PHET. Kết quả cho thấy có sự gia tăng 250%  trong việc giáo viên đã tích hợp CNTT vào giảng dạy, giúp nâng cao năng lực CNTT đáng kể ( Pañares & Langam, 2017).


Kết Luận

Việc áp dụng công nghệ giáo dục (EdTech) và chuyển đổi số qua E-learning đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và dạy-học Tiếng Anh, hỗ trợ công cuộc "từng bước đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai" theo Kết luận 91-KL/TW (12/8/2024). 


Công nghệ không chỉ cung cấp các công cụ hiện đại như AI, nền tảng trực tuyến, và tài liệu đa phương tiện, mà còn tạo ra môi trường học tập linh hoạt, cá nhân hóa, và hiệu quả, hỗ trợ nguyên tắc "cung cấp ngôn ngữ đầu vào phù hợpt" và "thúc đẩy kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ đầu ra" theo quy tắc “đắc thụ ngôn ngữ thứ hai”. Điều này giúp vượt qua thách thức chuyển đổi từ Tiếng Anh như ngoại ngữ (EFL) sang ngôn ngữ thứ hai (ESL), bao gồm thiếu hụt nguồn lực con người, công nghệ, và nhận thức chung, đồng thời thúc đẩy tư duy sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc tế, và hội nhập giáo dục toàn cầu.


Các ví dụ từ Ấn Độ (NISHTHA), Singapore (FutureReady), và Philippines (DepEd) cho thấy chuyển đổi số nâng cao chuyên môn giáo viên và kỹ năng học sinh, ngay cả trong bối cảnh bất bình đẳng khu vực. Việt Nam có thể học hỏi để hiện thực hóa mục tiêu quốc gia với giải pháp công nghệ bền vững.


Tại English4Us - Linh Sarah, việc ứng dụng công nghệ được thể hiện rõ nét qua mô hình Blended Language Learning (tích hợp học trực tiếp và học trực tuyến trên nền tảng bài giảng điện tử Linhsarah.com). Đây là thế mạnh độc đáo: Linhsarah.com cung cấp tài liệu đa phương tiện, bài tập tương tác, và phản hồi tức thì từ AI, khuyến khích thực hành giao tiếp thực tế và tăng động lực học tập (Chapelle, 2001). Hơn nữa, hình thức lớp học Concurrent Hybrid Classroom (học viên có thể đến lớp học trực tiếp, hoặc tham gia học online ở bất kỳ đâu) cho phép người học ở mọi vùng miền có thể đăng ký tham gia các khóa học mà không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.


Sự kết hợp giữa lớp học trực tiếp (để duy trì tương tác con người) và học trực tuyến (để linh hoạt và mở rộng tiếp cận) không chỉ tối ưu hóa hiệu quả dạy-học Tiếng Anh mà còn hỗ trợ học sinh ở mọi vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, trong việc làm quen với Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Với mô hình này, English4Us hy vọng góp phần nhỏ bé vào chiến lược quốc gia và trong giáo dục Tiếng Anh tại Việt Nam.


Trân trọng,

Linh Sarah




Nguồn tham khảo

(2023). Technology in Education: A Case Study on Singapore. https://doi.org/10.54676/hoov5879


Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. (2025, March 5). Hội thảo góp ý đề án từng bước đưa tiếng anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Retrieved March 6, 2025, from https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10346&fbclid=IwY2xjawI18mhleHRuA2FlbQIxMAABHdwa1-Bw63Fq5ufNa4GyRMgurZqHYalxXD17wb94fcCEGWAncwgnll6EhQ_aem_P-j04OIs6QoEQUOBcn6GZA.


Chapelle, C. A. (2001). Computer Applications in Second Language Acquisition. https://doi.org/10.1017/cbo9781139524681


Kalyani, L. K. (2024). The role of Nishtha in enhancing pedagogical practices: An empirical investigation. International Journal of Scientific Research in Modern Science and Technology, 3(1), 34–40. https://doi.org/10.59828/ijsrmst.v3i1.175


Pañares, N. C., & Langam, A. S. (2017). DepEd Computerization Program: Venue for Improving Teachers Pedagogy. https://doi.org/10.6084/m9.figshare.22230067


Richards, J. C., & Rodgers, T. S. (2014). Approaches and Methods in Language Teaching. https://doi.org/10.1017/9781009024532 


Comments


BẢN QUYỀN - LIÊN HỆ

Toàn bộ nội dung bài viết và hình ảnh trong blog Linh Sarah (trừ những phần được trích dẫn) đều thuộc quyền sở hữu của tác giả Linh Sarah.

Việc chia sẻ, trích dẫn được coi là hợp lệ nếu được ghi rõ nguồn bao gồm :

 

Tên blog (https://linhsarah.com), tên tác giả (Linh Sarah), kèm đường link gốc của mỗi bài viết; tuy nhiên không được sử dụng vào mục đích thương mại, cũng như không được sửa đổi, làm thay đổi nội dung bài viết.

 

Nếu quý vị độc giả muốn đặt câu hỏi hoặc muốn thảo luận với tác giả về nội dung bài viết; hoặc cần trao đổi, hợp tác xin vui lòng để lại thông tin phía dưới.

Trân trọng!

Cảm ơn bạn đã để lại thông tin!

bottom of page